Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (EAMA) công bố ngày 17/6 cho biết lượng xe đăng ký mới trong khu vực trong tháng trước giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức giảm tồi tệ nhất của tháng 5 kể từ khi EAMA bắt đầu theo dõi số liệu này từ năm 1990. Dù vậy, cú giảm này đã là một sự cải thiện đáng kể so với mức sụt 78% ghi nhận trong tháng 4.
Hiện chưa ai dám chắc thị trường ô tô châu Âu đang và sẽ phục hồi theo biểu đồ có hình dạng nào, bởi các hãng xe từ Volkswagen tới Fiat Chrysler còn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020 - một quý được xem là “thảm họa” đối với công nghiệp ô tô khu vực và thế giới do ảnh hưởng của đại dịch.
Tại Mỹ, hãng xe Ford đã đưa ra con số dự báo thua lỗ 5 tỷ USD cho quý 2.
Ngành ô tô đang kỳ vọng thị trường khởi sắc trong mùa hè năm nay, khi người tiêu dùng sẵn sàng hơn cho việc mở ví để sắm xe mới cho kỳ nghỉ, thay vì mua vé máy bay cho những chuyến đi chơi xa. Trên thực tế, tháng 5 vừa qua, ngươi Mỹ đã đổ xô đi mua những mẫu xe SUV và bán tải, giúp doanh số của toàn thị trường có sự khởi sắc mạnh mẽ.
Một tín hiệu tích cực khác đang đến từ phía Trung Quốc, nơi doanh số bán ô tô mới đã tăng lần đầu tiên trong khoảng 1 năm trở lại đây trong tháng 5. Trung Quốc đang trở thành một thị trường trọng tâm cho các hãng xe châu Âu, những nhà sản xuất đang hy vọng doanh số ở quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ đủ khả quan để bù đắp cho sự ảm đạm tại thị trường quê nhà.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh số thị trường ô tô châu Âu “bốc hơi” 43% so với cùng kỳ 2018. Con số này là một dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ cần thời gian để phục hồi. Theo dự báo của chuyên gia Michael Dean thuộc Bloomberg Intelligence, doanh số ô tô tại châu Âu có thể giảm tới 20% trong năm nay.
Trong tháng 5, tất cả các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến mức giảm doanh số ô tô ở mức hai con số. Tuy nhiên, mức giảm của các quốc gia không đồng đều: lượng xe mới đăng ký ở Đức giảm khoảng một nửa, trong khi mức giảm của Tây Ban Nha lên tới 73%.
Đương đầu với khó khăn, các công ty trong ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang cắt giảm chi phí nhiều nhất có thể.
Hồi tháng 5, hãng xe Pháp Renaut công bố một đợt cắt giảm nhân sự trên toàn cầu. Nhà cung cấp linh kiện ô tô Đức ZF Friedrichshafen AG dự kiến sa thải 15.000 vị trí. Số liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy từ khi đại dịch bắt đầu đến nay, ngành ô tô châu Âu đã công bố cắt giảm 50.000 việc làm.
Một thách thức lớn đối với công nghiệp ô tô châu Âu vào thời điểm này là lượng xe tồn kho vẫn còn lớn. Các nhà máy sản xuất ô tô đã mở cửa trở lại và dần phục hồi sản lượng, nhưng doanh số lại không phục hồi đủ nhanh, dẫn tới lượng xe ế ẩm chất đống. Thực trạng này có thể khiến có thêm nhiều công nhân mất việc làm trong thời gian tới.
Về phần mình, chính phủ các nước châu Âu đang ra sức kích cầu thị trường xe bằng các gói hỗ trợ kinh tế lớn, dù không phải tất cả các chương trình này đều nhắm trực tiếp vào ngành ô tô.
Tuần trước, Chính phủ Đức công bố một gói cứu trợ 130 tỷ Euro, tương đương 147 USD, tập trung vào việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và trợ giá cho ô tô điện. Gói kích cầu này bỏ qua đề xuất của các hãng xe Đức về một chương trình “thưởng dập xe cũ”.
Ngược lại, Chính phủ Tây Ban Nha tuần này công bố một chương trình hỗ trợ 3,75 tỷ Euro dành trực tiếp cho ngành ô tô.